MIỀN KÝ ỨC – BÙI KIM QUY

20.03.2022

“Ông ấy bảo, đôi khi chúng ta và cuộc đời phải học cách tha thứ cho nhau, có như vậy mới hạnh phúc được.”

“Vậy cô có hạnh phúc không?”

Miền Ký Ức - Bùi Kim Quy

Mộc Miên không trả lời được. À không, có lẽ cô biết chắc câu trả lời, nên cô mới tìm cái chết.

Phim buồn. Phim nào không có trẻ con chắc đều là phim buồn. Trẻ con và cái chết không nên đi liền với nhau.

Phim đầy rẫy cái chết. Phim đầy rẫy cách con người chuẩn bị và đón nhận cái chết. Nếu cái chết suy cho cùng là một điểm đến, thì dương gian cũng chỉ là một miền nhớ tạm bợ. Nhớ nhớ quên quên. “Sống” chẳng phải cũng là một phần của sự “chết” hay sao. Sống ở cõi giữa, khi chết linh hồn thăng thiên còn thân xác về lại với đất. Vẹn tròn, hòa hợp. Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mả. Hành trình tưởng chừng riêng tư tột cùng đó đôi khi cũng bị xâm phạm bởi những cá thể khác. Cá thể con, cá thể cha, cá thể vợ, cá thể chồng. Có những cái chết thật đúng ý, có những cái chết lại được người khác định đoạt hộ. Sống mượn, chết cũng mượn.

Dạo này mình đọc Palomar. Chưa đọc hết, mà nghĩ chắc anh Polamar sẽ muốn chết ở biển. Ảnh bảo đời chỉ là môi sinh, vấn đề không phải ta được chấp nhận hay bị loại trừ, mà là việc chỉ có ở đây ta mới hiện hữu. Trong thời gian này, nơi chốn này, khoảng khắc này, trong rạp phim, ngoài đại lộ, trong tấm ảnh, ngoài kí ức. Phim không cho mình dũng cảm đối mặt, phim khiến mình sợ hãi – cái chết và những điều sau cái chết. Cho người ở lại nhiều hơn là người ra đi. Mình nhỏ nhen, chung quy mình sợ mất mát. “Nếu cuộc chạy nước rút hướng đến sự chết trở nên hăng say hơn bất cứ một khả năng cứu vãn nào, thì sao?”

Phim khiến mình xúc động mấy hồi. Bên cạnh những nỗi nhớ vụn vặt, mất mát vụn vặt, mình nhớ hồi năm nhất tụi mình học môn của Cô Rùa, nhớ dáng vẻ háo hức của cô khi kể với tụi mình về dự án – khi nó mới chỉ đang là một tấm hình cùng vài dòng mô tả. Thật mừng cho hành trình của cô, của mọi người, thật mừng cho bộ phim khi nó được xem, bởi tất cả chúng ta.