Trên đây là hình ảnh đại diện cho 13 cảnh phim – 13 bức tranh của Hopper

“Shirley: Vision of Reality” của Gustav Deutsch tái hiện thế giới cô đơn mặc khải của Edward Hopper qua câu chuyện về hơn 30 năm cuộc đời cô diễn viên giả tưởng mang tên Shirley. Một cuộc đời cá nhân dự phần vào những biến chuyển của chính trị, xã hội, lịch sử từ năm 1931 đến 1963: Cuộc suy thoái, Chiến tranh thế giới 2, Chiến tranh lạnh, Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam,… 13 cảnh phim tương ứng với 13 bức tranh nổi tiếng của Hooper, mỗi cảnh là một “static tableaux vivants” trình hiện lại sống động, bảo lưu gần như nguyên vẹn ánh sáng, màu sắc, bối cảnh, nhân vật và đặt chúng vào những cảnh huống sáng tạo khác nhau.

“Shirley” là kết quả của quá trình “art imitates art imitates art” – vĩnh cửu hóa nghệ thuật. Hội họa của Hopper chịu ảnh hưởng của phim Noir, sau đó chính những nhà làm phim như Alfred Hitchcock, Jim Jarmusch, Martin Scorsese, Wim Wenders hay Ridley Scott lại chịu ảnh hưởng từ ông. Nỗ lực của Gustav khó có thể coi là một cách tân, nhưng nó là một thể nghiệm mới mẻ để trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta có thể sáng tạo gì thêm nữa, khi mà mọi thứ đã được sáng tạo hết rồi?”. Mỗi cảnh trong phim kéo dài trên dưới 6 phút, mô phỏng lại một tình huống khả thi mà bức tranh có thể thuộc về, sự tái hiện chính xác thường nằm ở trung tâm của mỗi cảnh.

Nếu Hopper ném vào tâm thức phẳng lặng của khán giả một hòn đá, thì Gustav tạo thêm sức nặng để những vòng tròn đồng tâm cứ thế lan rộng hơn. Trường liên tưởng của khán giả được mở rộng ra thênh thang, dù cho quan điểm của nhà làm phim có thể không trùng khớp với ý tưởng ban đầu của họa sĩ. Sự sáng tạo nằm ở chỗ đạo diễn làm sống dậy tinh thần của thời đại, khám phá phạm vi chuyển động đầy rộng mở trong ý tứ của một tác phẩm hội họa sẵn có. Điều này nghiễm nhiên trao tặng cho tác phẩm hội họa gốc một quyền năng tự do hơn rất nhiều. Mà “tự do” lại là một từ rất thích hợp với “cô đơn”.

Bên cạnh đó, tác phẩm của Gustav còn là một nghiên cứu tổng hợp thú vị về cách dàn dựng thực tế. Đưa ra những giải pháp cụ thể có thể làm sống dậy ánh sáng, màu sắc, chiều sâu của các tác phẩm hội họa kinh điển trên màn ảnh. Năm 2013, một triển lãm tại Künstlerhaus, Vienna đã được diễn ra cùng thời điểm phát hành của bộ phim. Tại đây, nhà làm phim đã trưng bày chính các bối cảnh được sử dụng trong phim, cho phép người xem thực sự bước vào thế giới hội họa của Hopper.

Thay lời kết, muốn gửi đến mọi người một quan điểm sáng tạo của Hopper mà mình vô cùng tâm đắc, trích từ “Statement” ông gửi cho tạp chí Reality vào năm 1953:

“Nghệ thuật tuyệt vời là sự thể hiện ra bên ngoài đời sống nội tâm của người nghệ sĩ, và đời sống nội tâm này sẽ dẫn đến tầm nhìn cá nhân của anh ta về thế giới. Không có phát minh khéo léo nào có thể thay thế được yếu tố thiết yếu của trí tưởng tượng con người…”.